Ngày nay đồng hồ không chỉ là trang sức phổ biến đối với đàn ông, mà ngay cả các chị em cũng đã bắt đầu chú ý sắm cho mình 1 vài chiếc đồng hồ để làm đồ trang sức thường ngày hoặc trong các dịp đặc biệt. Có người thì chỉ coi nó như một món đồ bình thường, nhưng cũng có những người coi nó là thú vui, có khi làm đam mê, hoặc xa hơn là phong cách sống. Tất nhiên để thích và coi đồng hồ là sở thích hay đam mê thì bạn phải là người có khả năng tài chính rất tốt, vì đam mê này là thứ đam mê chỉ dành cho người giàu. Nếu hiểu biết về đồng hồ, chỉ cần nhìn vào chiếc đồng hồ họ đang đeo trên tay là có thể biết họ thuộc giới nào trong xã hội (tất nhiên điều này không phải tuyệt đối, nhưng cũng chính xác đến 99%).
Vậy thì những chiếc đồng hồ được xếp vào các phân khúc khác nhau dựa trên những tiêu chí nào?
Ở đa số những nơi khác chúng tôi thường thấy đồng hồ được xếp vào phân khúc nào tùy thuộc vào mức giá bán niêm yết của hãng khi ra mắt chiếc đồng hồ đó. Điều này đúng với rất nhiều hãng, nhưng trong thực tế có nhiều hãng thổi phồng giá trị của chiếc đồng hồ trên mức thực tế rất nhiều, vì tế cách phân khúc này sẽ không hoàn toàn đánh giá được giá trị thực của chiếc đồng hồ. Dưới góc độ của người thợ sửa đồng hồ, với kinh nghiệm tiếp xúc với hàng trăm ngàn chiếc đồng hồ đủ loại, tôi thường phân khúc đồng hồ theo cơ cấu máy và chất lượng hoàn thiện (bao gồm cả hoàn thiện dây vỏ, mặt số, kim, cọc số, và mức độ hoàn thiện các chi tiết máy). Tất nhiên cơ cấu máy càng phức tạp và mức độ hoàn thiện càng tốt thì giá thành sẽ càng cao, tuy nhiên có những chiếc giá thành cao nhưng mức độ hoàn thiện lại chưa được tương xứng với mức giá, với những chiếc này thì tôi vẫn sẽ xếp chúng vào mức phân khúc thấp hơn giá mà hãng niêm yết.
Basic Ranger ( Level E)
Những người sử dụng đồng hồ ở phân khúc này thường chỉ cần 1 chiếc đồng hồ để xem giờ cho tiện, hoặc chỉ đeo như một món trang sức đơn giản. Ở phân khúc này là những chiếc đồng hồ chính hãng giá rẻ, hoặc các thương hiệu thời trang như: Olym-Pianus, casio, Michael Kors, Guess, Anne Klein, DW,…..
Đồng hồ ở phân khúc này thường sử dụng các loại máy pin hoặc máy cơ đơn giản, độ hoàn thiện dây vỏ tương đối thấp, không có gì đáng bàn tới. Tuy nhiên một số hãng thời trang dựa vào thương hiệu thổi phồng giá trị chiếc đồng hồ lên trên mức giá hợp lý của chúng.
Low-end (Level D)
Những chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này thường có giá khoảng từ trên 7tr đồng đến khoảng 40tr đồng. Ở phân khúc này độ hoàn thiện bên ngoài chỉ khá chút ít so với level E nhưng máy móc thì được hoàn thiện hơn rất nhiều. Các thương hiệu đồng hồ tiêu biểu ở phân khúc này có thể kể đến: CITIZEN, SEIKO, Orient, Bulova, Oris, Edox, Tissot, Hamiliton,……
Mid-ranger ( Level C)
Đây là phân khúc bắt đầu có sự hoàn thiện máy móc và dây vỏ rõ rệt. Với mức giá để sở hữu những chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này bạn thường sẽ cần khoảng trên 40tr đồng tới 80tr đồng. Ở phân khúc này bộ máy bắt đầu có những cơ cấu phức tạp như: Moonphase, Lịch thường niên, Chronograp cơ,… Những thương hiệu tiêu biểu ở phân khúc này có thể kể đến Junghans, Stowa, Nomos, Frederique Constant, Dior, Longines, Montblanc, Tudo, Movado…
High-end (Level B)
Phân khúc cao cấp dành cho giới Trung Lưu. Đây là phân khúc mà độ hoàn thiện rất cao. Dây, vỏ, kim, cọc số, mặt số, hay máy móc ở trên chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này cũng đề được chăm chút từng chút một. Phân khúc này có thêm những cơ cấu phức tap như: Retrograde, split second chronograph,….. Để sở hữu những chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này người sử dụng phải bỏ ra số tiền tối thiểu khoảng trên 80tr đồng tới khoảng 200tr đồng.
Có thể kể đến một vài thương hiệu tiêu biểu thuộc phân khúc này như: Grand Seiko, IWC, Cartier, Credo, Rolex, TAGHeuer, Hublot, Breitling,…
Luxury ( Lever A)
Phân khúc chỉ dành cho giới thượng lưu. Điều này quả là không sai khi mà người sử dụng phải bỏ ra số tiền tối thiểu khoảng 200tr đồng mới có thể sở hữu một chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này. Sự xa xỉ của phân khúc này cũng được thể hiện khi độ hoàn thiện kim, cọc số, mặt số, dây vỏ, các chi tiết máy thậm chí cả những đường vân thớ bóng cũng được chăm chút bởi những người thợ có tay nghề tối thiểu 20 năm.
Các thương hiệu ở phân khúc này không có quá nhiều người biết đến, tiêu biểu có thể kể ra một vài cái tên: A.Lange & Sohne, Patek Philippe, Breguet, Audemars Piguet, Vacheron Constatin, Speake-Marin, Ulysse Nardin, Hublot, Blacnpain, Linde Werdelin, Lang & Heyne, Jaquet Droz, H.Moser & Cie. , Bovet, DeWitt, Franck Muller, Gronefeld, Jaeger-LeCoultre, Girard-Perregaux, F.P.Journe,…..
The Grail (Super-Luxury)
Sở hữu một chiếc đồng hồ ở phân khúc này thì thực sự bạn không phải là người bình thường. Theo thống kê chưa tới 1% số người trên thế giới có khả năng sở hữu được những chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này. Thường những chiếc đồng hồ ở phân khúc này làm thủ công với số lượng cực kì hạn chế, khiến chúng có giá trị sưu tầm rất cao. Về độ hoàn thiện và sự phức tạp của chúng thì chỉ có thể dùng 2 từ “hoàn hảo” để mô tả. Có thể coi những chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này là tinh hoa trong ngành đồng hồ thế giới.
Những thương hiệu thuộc phân khúc này thường chỉ có giới siêu giàu biết tới. Những chiếc đồng hồ thuộc phân khúc này như là một thứ mật mã riêng để họ nhận ra nhau mà không cần phải nói lời nào.
Mức giá để có thể sở hữu chúng cũng ít người tưởng tượng ra và tăng theo thời gian.
Tôi sẽ điểm qua một vài cái tên để bạn có thể tìm hiểu thêm: Montblanc Minerva, Rudis Sylva, Urwerk, Vianney Halter, Voulatinen, Phippe Dufour, Maitres du Temps, Greubel Forsey, Richard Mille, Romain Gauthier, MB&F, Loiseau,….