Mua và sở hữu đồng hồ là việc rất dễ dàng, nhưng sử dụng sao cho đúng cách thì không phải ai cũng chú ý và biết rõ. Vì thế, đồng hồ thường gặp những tình trạng như chết vặt, xước vỏ, xước mặt kính, thậm chí là sứt, cấn móp vỏ mà người dùng không biết tại sao.
Tuy nhiên, những điều này người đeo đồng hồ có thể phòng tránh được nếu thay đổi những thói quen không tốt ảnh hưởng tới chất lượng chiếc đồng hồ bạn đang đeo.
Sử dụng đồng hồ tùy tiện, không đúng chức năng thiết kế
Đây là điều mà hầu như ai cũng mắc phải, thói quen này thường do người đeo chưa có hiểu biết đầy đủ về đồng hồ. Hầu hết đều nghĩ rằng đồng hồ càng đắt thì càng phải có khả năng chịu đựng tốt với môi trường, đây là quan điểm hết sức sai lầm. Mỗi chiếc đồng hồ được sản suất với những mục đích khác nhau. Vì thế sử dụng sao cho hợp lý cũng cần người đeo phải chú ý, hiểu được tính năng, mục đích sản xuất của chiếc đồng hồ mình đeo.
Có những chiếc sản xuất với mục đích lặn biển thì khả năng chống nước sẽ tốt.
Có những chiếc đồng hồ tập trung vào kỹ nghệ chế tác kim hoàn, thì sẽ có vẻ đẹp hoàn mỹ tuy nhiên khả năng chống nước hay chống sốc lại rất kém.
Có những chiếc đồng hồ lại thiết kế sử dụng cho những môn thể thao vận động mạnh như Tennis hoặc Polo.
Để đồng hồ chết quá lâu không hoạt động
Đồng hồ là một cỗ máy cơ khí, cần được vận hành liên tục. Nhiều người cho rằng chỉ cần đồng hồ không hoạt động thì sẽ không có hư hại, điều này đúng nhưng chỉ đúng một nửa. Với đồng hồ cơ thông thường chỉ chạy được khoảng hơn 1 ngày nếu không đeo. Nếu để quá lâu không đeo, dầu mỡ ở các đầu trục bánh xe không được vận động dễ bị oxi hóa dẫn tới đặc lại, làm giảm khả năng bôi trơn. Khi đồng hồ không hoạt động thì hệ thống bánh xe không bị mòn, nhưng trước khi lên cót cho đồng hồ hoạt động lại mà không đem đi làm sạch hết dầu cũ và thay dầu mới thì hiệu xuất hoạt động của đồng hồ sẽ giảm do ma sát ở các đầu trục tăng lên, dẫn tới đồng hồ dễ bị mòn đầu trục. Vì vậy với trường hợp đồng hồ chết lâu, trước khi lên cót cho đồng hồ hoạt động lại cần đem đi bảo dưỡng lại. Điều này những anh em có nhiều đồng hồ cần hết sức chú ý.
Với đồng hồ pin, khi hết pin nhiều người do bận công việc hoặc quên mất và cất đồng hồ trong tủ. Tuy nhiên điều này hết sức nguy hiểm cho đồng hồ. Nếu đồng hồ hết pin cần thay pin càng sớm càng tốt, vì để viên pin hết trong đồng hồ lâu có thể dẫn tới hiện tượng chảy axit trong viên pin ra máy đồng hồ, dần tới chết ic hoặc chập cuộn dây. Lúc này chi phí sửa chữa sẽ cực kì tốn kém.
Không kiểm tra kỹ đồng hồ trước khi tiếp xúc với nước
Đây là điều anh em cũng cần hết sức lưu ý, kể cả với những chiếc đồng hồ thiết kế chuyên dụng để lặn biển. Nếu chẳng may núm của đồng hồ chưa được đóng kín hoàn toàn thì việc bị nước vào là hết sức dễ hiểu.
Với những chiếc đồng hồ thiết kế cho nhu cầu cơ bản thường sử dụng núm đóng, bên trong có zoăng chống nước. Thiết kế này có ưu điểm là dễ sử dụng, thuận tiện khi anh em chỉnh giờ, chỉnh ngày, hoặc lên cót. Tuy nhiên lại có nhược điểm rất lớn là dễ bị tuột ra trong quá trình sử dụng. Tất nhiên là không có yếu tố tác động bên ngoài thì chẳng bao giờ tuột ra được, nhưng trong quá trình sử dụng người sử dụng rất dễ để va quệt làm bung núm. Nên trước khi đồng hồ tiếp xúc với nước anh em cần chú ý kiểm tra lại núm đồng hồ.
Có những mẫu chuyên lặn biển sẽ có thiết kế an toàn hơn với núm có khóa hoặc ren vặn. Tuy nhiên va quệt trong quá trình sử dụng cũng hoàn toàn có thể làm lỏng ren dẫn tới hở núm. Việc kiểm tra lại núm cũng là việc quan trọng với đồng hồ núm ren vặn.
Sau khi sử dụng đồng hồ trong môi trường nước anh em cũng nên chú ý kiểm tra lại đồng hồ xem có hiện tượng hấp hơi hay nước vào hay không. Nếu có anh em cần mang đến trung tâm sửa chữa sớm nhất có thể để được bảo dưỡng, làm sạch nước bên trong. Tránh để lâu vì có thể dẫn tới gỉ hết máy.
Vô ý để đồng hồ trong các môi trường khắc nghiệt
Đồng hồ thông thường sẽ chỉ hoạt động ổn định trong khoảng từ 10-50 độ, ngoài khoảng này thì đồng hồ dễ hoạt động nhanh chậm thất thường. Có nhiều anh em vô ý để đồng hồ cạnh những nơi nhiệt độ cao như quạt sưởi, chỗ thoát nhiệt máy tính, dưới đèn bàn, hoặc những nơi nhiệt độ thấp như là dưới điều hòa, hay cửa thoát khí điều hòa trong ô tô. Những vị trí này người sử dụng thường không để ý dẫn tới chiếc đồng hồ chạy nhanh chậm thất thường mà không rõ tại sao.
Bên cạnh nhiệt độ thì từ trường cũng là những yếu tố dễ ảnh hưởng tới hoạt động của Đồng Hồ. Thông thường từ trường sẽ chỉ ảnh hưởng tới sai số của đồng hồ mà không gây hư hại gì, trừ trường hợp từ trường siêu mạnh mới có thể làm hỏng đồng hồ, nhưng bạn yên tâm, trong thực tế gần như không bao giờ bạn có thể tiếp xúc với mức từ trường này.
Chỉnh giờ khi đeo đồng hồ trên tay
Vừa đeo đồng hồ vừa chỉnh giờ có lẽ là điều mà hâu hết những người đeo đồng hồ đều mắc phải. Có lẽ vì anh em không biết rằng nếu làm như vậy có thể dẫn tới cong, vênh, thậm chí là gãy núm chính giờ.
Với 5 điều có thể gây nguy hại cho chiếc đồng hồ đeo tay mà chúng tôi liệt kê ra trên đây, có lẽ rất nhiều người sẽ thường mắc phải. Anh em đọc kỹ và chú ý hơn trong qua trình sử dụng thì sẽ giúp chiếc đồng hồ được bền lâu hơn rất nhiều.
Nếu chiếc đồng hồ của bạn gặp bất cứ vấn đề gì mà không thể tự giải quyết được, vậy thì hãy đến ngay với SHOPDONGHO.com nhé.