Từ năm 2022, chủ đầu tư căn hộ chung cư sẽ bị phạt nếu không tuân thủ bảo hành căn hộ. Biện pháp này được áp dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Việc chịu trách nhiệm bảo hành đảm bảo chất lượng và an toàn cho cư dân sẽ trở thành tiêu chuẩn cần tuân thủ trong ngành bất động sản tại Việt Nam.
Tôi nghe nói, kể từ năm 2022 nếu chủ đầu tư không thực hiện sửa chữa căn hộ chung cư bị hư hỏng trong thời gian còn được bảo hành sẽ bị phạt rất nặng.
Vậy sự thật về vấn đề này là như thế nào? Thời gian bảo hành căn hộ chung cư là bao lâu? Chủ đầu tư vi phạm quy định về bảo hành căn hộ chung cư sẽ bị phạt như thế nào? (Ngọc Nữ)
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh tư vấn như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2014, thời gian bảo hành đối với nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Như vậy, nếu trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư mà chủ đầu tư quy định thời gian bảo hành dưới 60 tháng thì áp dụng thời gian bảo hành là 60 tháng; trường hợp tại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư quy định thời gian bảo hành trên 60 tháng thì áp dụng thời hạn này.
Lưu ý, theo khoản 3 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2014, nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
Thứ hai, trường hợp còn trong thời gian bảo hành mà chủ đầu tư không thực hiện việc bảo hành căn hộ chung cư sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng theo khoản 3 Điều 38 Nghị định 16/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 28/01/2022); trước đây, theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP với vi phạm nêu trên thì chỉ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 38 Nghị định 16/2022, ngoài việc bị phạt tiền nêu trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định.