Trình tự, thủ tục xử phạt và cưỡng chế công trình xây dựng trái phép là quy trình mà chính quyền sử dụng để xử lý các công trình xây dựng vi phạm pháp luật. Theo đó, sau khi phát hiện vi phạm, chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp tiến hành xử phạt, từ các biện pháp nhẹ như cảnh cáo, xử phạt hành chính, tới biện pháp nặng như phá dỡ, cưỡng chế công trình. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cộng đồng và tuân thủ quy định của pháp luật trong việc quản lý công trình xây dựng.
Xin hỏi, UBND xã có quyền tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng trái phép không? Trước đó, UBND xã không lập biên bản vi phạm hành chính cũng như không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính công trình sai phép đó.
Hình minh họa
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An trả lời như sau:
Theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì một trong những biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hành chính là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
Điều 30 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép như sau: "Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.”
Trình tự, thủ tục xử phạt và cưỡng chế thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, và Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Người có thẩm quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm đang diễn ra buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính thành 02 bản, giao cho người vi phạm hoặc tổ chức vi phạm giữ 01 bản; nếu hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt thì người lập biên bản chuyển biên bản đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt
– Tiến hành xác minh hành vi vi phạm
– Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Trong thời gian 02 ngày làm việc từ ngày ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức, bị xử phạt, cơ quan khác có liên quan để thi hành. Người vi phạm phải chấp hành xong quyết định trong thời gian 10 ngày từ ngày nhận quyết định xử phạt
– Nếu người vi phạm không tự nguyện chấp hành thì tiến hành cưỡng chế. Trước khi tổ chức cưỡng chế thì phải ra quyết định cưỡng chế gửi đến người vi phạm và các cơ quan cấp trên để thực hiện.
– Trong trường hợp phá dỡ công trình xây dựng trái phép hoăc không có giấy phép thì phải gửi đến người bị cưỡng chế, UBND cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước ít nhất 05 ngày để phối hợp.
– Nếu trước khi tiến hành cưỡng chế, người bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành; nếu cố tình vắng mặt thì cần phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến để cưỡng chế.
Về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dụng vi phạm, theo Điều 3 và Điều 76 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền buộc tháo dỡ công trình, phần xây dựng công trình vi phạm.
Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt gửi hồ sơ đến Chủ tịch UBND cấp huyện để ban hành quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.
Theo thông tin bạn cung cấp UBND xã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình mà không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thông báo cưỡng chế là không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến UBND cấp xã về việc thi hành tháo dỡ công trình không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để được xem xét giải quyết theo quy định.