Quy định về xác định cấp, loại công trình là những quy tắc và tiêu chuẩn được áp dụng để đánh giá và phân loại các công trình xây dựng. Các quy định này giúp xác định mức độ quy mô, công năng và phạm vi công trình, từ đó tạo ra các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn phù hợp. Việc áp dụng các quy định này cũng đảm bảo tính nhất quán và công bằng trong việc xác định cấp, loại công trình.
Trong quá trình thẩm định công trình, tôi gặp vướng mắc về xác định cấp công trình xây dựng, chứng chỉ năng lực hành nghề của chủ nhiệm dự án và hợp đồng giữa chủ nhiệm dự án với nhiều tổ chức tư vấn thiết kế tại cùng một thời điểm.
Hiện tôi đang thẩm định công trình đường ngang đường sắt quốc gia sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt, trong đó phần thông tin tín hiệu chiếm tỷ trọng lớn (80% giá trị công trình).
Trên cơ sở các văn bản pháp luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Thông tư số 03/2016/TT-BXD) và điều kiện thực tế công trình ông đang thẩm định (tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt là 80km/h; chiều rộng chôn cáp thông tin b = 0,5m với chiều dài cáp 1.500m và các thiết bị tủ điều khiển, cột báo hiệu cao 3,6m; tra theo TCVN 8893:2020 và Bảng 1.4 Phân cấp công trình giao thông tại Phụ lục 1 Thông tư số 03/2016/TT-BXD), ông Đức đề nghị xác định cấp, loại công trình là công trình giao thông đường sắt, cấp II.
Xin hỏi, xác định cấp, loại công trình loại công trình như nêu trên đã phù hợp với quy định pháp luật về phân cấp công trình hay chưa?
Trường hợp xác định công trình là công trình giao thông, nhưng trong công trình giao thông quy định tại Mục IV Phụ lục 1 không có phần thông tin tín hiệu đường sắt; phần thông tin chỉ đề cập tại Điểm 5 Mục III. Công trình hạ tầng kỹ thuật (HTKT).
Do tỷ trọng khối lượng phần thông tin tín hiệu lớn (80%) nên xác định cấp công trình theo loại công trình HTKT, nhưng phần thông tin tín hiệu đường sắt không có tên và không có loại phù hợp với loại công trình trong Bảng 1.3 thì xác định cấp theo loại và quy mô kết cấu (Mục 2.10.4, Bảng 2 Phụ lục 2 của Thông tư số 03/2016/TT-BXD). Như vậy, công trình đường sắt nêu trên được xác định là công trình HTKT, cấp IV.
Xin hỏi, việc xác định loại, cấp công trình như trên có phù hợp với quy định?
Về chứng chỉ năng lực hành nghề chủ nhiệm dự án đối với công trình đường ngang đường sắt: Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, “Chủ nhiệm là chức danh của cá nhân được tổ chức giao nhiệm vụ quản lý, điều phối thực hiện toàn bộ công việc chuyên môn thuộc một đồ án quy hoạch, dự án hoặc công trình cụ thể, bao gồm: Chủ nhiệm thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm thiết kế xây dựng”.
Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình được quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP.
Chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng quy định tại Điều 2 Thông tư số 08/2018/TT-BXD.
Chứng chỉ của chủ nhiệm dự án công trình nêu trên ghi lĩnh vực hành nghề: “Thiết kế điện cơ điện công trình/Hạng I”; trình độ chuyên môn: Thạc sỹ tự động hóa - kỹ sư tín hiệu giao thông.
Xin hỏi, từ các quy định của pháp luật nêu trên chủ nhiệm dự án được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế điện - cơ điện công trình, nhưng không có chứng chỉ hành nghề thông tin tín hiệu đường sắt, thiết kế công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc thiết kế xây dựng công trình giao thông thì chưa đủ điều kiện năng lực để đảm nhận chức danh chủ nhiệm dự án có đúng không?
Về hợp đồng của các nhân sự chủ chốt trong hoạt động xây dựng: Trong quá trình thẩm định năng lực của nhà thầu tư vấn thực hiện công tác lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình tại Mục 1, 2 nêu trên, từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2020, đơn vị tôi phát hiện một số bất cập:
- Vị trí chủ nhiệm dự án hiện đang ký hợp đồng với một công ty nước ngoài tại thời điểm thực hiện từ tháng 6/2017 đến nay (làm việc tại Hà Nội). Mặt khác chủ nhiệm dự án này lại ký hợp đồng không xác định thời hạn từ năm 2017 với nhà thầu tư vấn nêu trên (làm việc tại Hà Nội), hợp đồng này kẹp trong tập hồ sơ năng lực của nhà thầu và hợp đồng ghi rõ “Thời giờ làm việc theo quy định của Nhà nước”.
Tôi đã tìm hiểu quy định của pháp luật về trường hợp này, nhưng hiện tại chưa tìm thấy quy định về việc cấm cá nhân chủ chốt đang làm việc tại 1 công ty được phép làm nhân sự chủ chốt tại 1 hoặc nhiều công ty khác và trong cùng một thời điểm.
Trần Văn Đức (Hà Nội)...
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về cấp công trình, đề nghị ông Đức nghiên cứu Điều 2 Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và Phụ lục 1 - Phân cấp đường ngang ban hành kèm theo Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt để xác định cấp công trình đang thẩm định.
Điều kiện làm chủ nhiệm dự án
Về chứng chỉ hành nghề, cá nhân có chứng chỉ hành nghề thiết kế điện - cơ điện hạng I được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành điện - cơ điện của tất cả các cấp công trình theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Về nhân sự chủ chốt, Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết”. Theo đó, đề nghị ông Đức nghiên cứu các quy định của pháp luật về lao động.