Quy định mới về Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với khu chung cư, công trình công cộng, trụ sở làm việc đã được ban hành nhằm đảm bảo an toàn và phòng chống cháy nổ. Đây là các quy định cần tuân thủ bởi các chủ đầu tư và cư dân, bao gồm việc lắp đặt hệ thống PCCC hiện đại, tổ chức huấn luyện cho nhân viên, và tuân thủ quy định bảo trì định kỳ. Việc tuân thủ sẽ góp phần nâng cao an ninh và an toàn cho cộng đồng.
CafeLand - Từ ngày 10/1/2021, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành.
Theo đó, các cơ sở cần đáp ứng quy định về PCCC gồm:
- Các cơ sở kinh doanh, khu chung cư, trụ sở cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên, nhà chung cư cao từ 5 tầng hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 2.500 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
- Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên; trường tiểu học, THCS có tổng khối tích từ 2.000 m3 trở lên; trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
- Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên…
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở trên gồm:
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định.
Điểm bổ sung mới trong quy định về PCCC đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ theo quy định tại Nghị Định 136 là phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định.
Thực tế một số dự án, công trình vẫn đưa vào sử dụng khi chưa có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC gây hậu quả cháy nổ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công trình và người dân. Vì vậy, với quy định bổ sung trên là cần thiết để đảm bảo an toàn đối với công trình và người dân.
Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2021 và thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014.